Điểm đến du lịch tâm linh Đền Hai Cô Kim Sơn ( Bảo Yên) Di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh
Lượt xem: 2555
Mùa Lễ hội Xuân Kỷ Hợi năm nay, về với Bảo Yên miền đất du lịch tâm linh của Lào Cai, địa danh có 2 dòng Sông mang đậm nét văn hóa đặc trưng của 13 dân tộc anh em “ Đất và Người Bảo Yên”, “ thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Miền đất này từ ngàn đời nay đã sinh tồn và gìn giữ 8 di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia và cấp tỉnh, trở thành miền đất linh thiêng của khu vực Tây Bắc, nổi tiếng với Đền Bảo Hà, Đền Phúc Khánh, Đền Nghĩa Đô, Đền Long Khánh, Đền Hai Cô Kim Sơn… 

Đến Bảo Yên, du khách đi theo đường Cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường Sắt Hà Nội - Lào Cai, hoặc Quốc lộ 70, Quốc lộ 279, giao thông thuận tiện đưa du khách đến với Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đền Bảo Hà, thờ danh Tướng Hoàng Bảy, ngôi Đền linh thiêng nổi tiếng cả nước; Đền Cô Tân An, di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, nằm bên kia Sông Hồng đối diện với Đền Bảo Hà thờ Cô Bé Thượng Ngàn (Nguyễn Hoàng Bà Xa) người có công cùng cha là “ Thần Vệ quốc Hoàng Bảy” đánh giặc, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Cũng từ đây, du khách đến với xã Kim Sơn, một vùng quê yên bình, trù phú bên dòng Sông Hồng đỏ nặng phù xa, nơi đây có ngôi Đền Hai Cô tọa lạc trên đồi cao soi bóng xuống Dòng Sông, một phong cảnh “ Sơn thủy, hữu tình”.

Sau một thời gian được các nhà nghiên cứu lịch sử khoa học tìm hiểu về lịch sử thời Nhà Trần, có hai cô gái theo quan quân Nhà Trần đánh giặc Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII, đã anh dũng hy sinh tại mảnh đất Bãi Liềm, nay là thôn Quang Kim, xã Kim Sơn, Bảo Yên. Ngày 28/12/2018, UBND tỉnh Lào Cai đã  ban hành Quyết định số 4349/QĐ-UBND về việc xếp hạng Di tích Đền Hai Cô là di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh. 

Sự tích Đền Hai Cô được các nhà Sử học ghi lại: Theo lời kể của những người cao niên ở thôn Kim Quang và các hiện vật còn sót lại của ngôi đền cho thấy; Đền Hai Cô đã có lịch sử cách đây hơn trăm năm tuổi với nhiều lớp trầm tích dân gian được lưu truyền về nhân vật được thờ trong đền. Sự tích về nhân vật được thờ và lịch sử ngôi Đền chỉ được lưu truyền từ đời này sang đời khác, qua những câu chuyện kể được truyền miệng trong dân gian và cho đến nay chỉ một vài người già còn nhớ được. 
Bà Lê Thị Nhàng - thủ nhang đền Hai Cô cho biết: Vào những năm 1965 trong làng Bãi Liềm còn 4 hộ người Dao Họ sinh sống, bà được nghe những người Dao lớn tuổi kể lại về nhân vật được thờ trong ngôi đền là Hai Cô đã có công với vùng đất này trong kháng chiến chống quân Nguyên – Mông vào thời Nhà Trần. Truyền thuyết kể lại: Trong một trận chiến đấu với quân Nguyên - Mông (thế kỷ XIII) có hai cô gái đi theo quân nhà Trần canh gác trên một cái chòi cao tại Bãi Liềm làm nhiệm vụ đốt lửa báo hiệu khi quân địch tới. Trong trận chiến này, thế giặc rất mạnh tiến công như vũ bão, chòi canh của Hai Cô gái bị quân giặc bao vây 4 phía. Biết không thể thoát khỏi vòng vây và quyết không để rơi vào tay quân giặc Hai Cô đã tự châm lửa đốt chòi canh tự sát. Sau khi hai Cô thác đã hiển linh ở khu vực Bãi Liềm. Linh hồn Hai Cô đã nhiều lần hiển linh phù trợ cho quân lính nhà Trần thời bấy giờ đánh thắng trong nhiều trận chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược. Chính vì vậy, uy danh và sự linh thiêng của Hai Cô đã nổi tiếng khắp xa gần. 


Vị trí nhân dân thờ Đền Hai Cô - thôn Kim Quang - xã Kim Sơn - huyện Bảo Yên

Để tưởng nhớ sự hy sinh của Hai Cô, nhân dân nơi đây đã lập Đền thờ phụng và thường gọi là “Đền Hai Cô”, ngôi Đền thờ Hai Cô gái đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu chống quân Nguyên - Mông bảo vệ bờ cõi vùng đất của người dân Kim Sơn nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Ngày nay, người dân nơi đây thường tâm niệm: Sau khi thác, Hai Cô thường xuyên hiển linh phù hộ, độ trì cho thuyền bè qua lại trên sông Hồng được xuôi chèo mát mái. Mùng 1, ngày Rằm, đầu xuân người dân lại đến dâng hương, hoa Đền Cô, cầu cho “ tai qua, nạn khỏi, mọi người mạnh khỏe, gia đình ấm êm, mùa màng tươi tốt…” 

Đền Hai Cô thuộc thôn Kim Quang, xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Nơi đây người dân vẫn gọi là bãi Liềm, một mỏm đất nhô ra sông Hồng được bao bọc bởi những cây to quanh năm xanh tươi, rợp bóng. Đền Hai Cô tọa lạc trên đồi cao, không tiếp giáp với nhà dân, hai phía tả ngạn tiếp giáp với Sông Hồng, phí sau Đền tiếp giáp với đường tỉnh lộ 161. 
Để đáp ứng nhu cầu tâm linh và truyền thống“uống nước, nhớ nguồn’ của nhân dân địa phương và du khách thập phương; hiện nay, UBND huyện Bảo Yên đang quy hoạch mở rộng quỹ đất, tôn tạo khuân viên ngôi Đền, để nhân dân và Chính quyền địa phương thuận tiện trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đền Hai Cô./.
                                                                               Hồng Nhung
                                                         Trung tâm Văn hóa, TT - TT Bảo Yên

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang