ĐỒN PHỐ RÀNG
Lượt xem: 3344

Cách Hà Nội hơn 300 km theo hướng tây bắc, dọc quốc lộ 70 đến Thị trấn Phố Ràng, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Bảo Yên, huyện của ngõ phía nam tỉnh Lào Cai. Bề ngoài có vẻ bình an tĩnh tại, nhưng Phố Ràng đã trải qua bao biến cố, vì địa thế chiến lược phải gánh lấy sứ mệnh lịch sử bảo vệ trường tồn mảnh đất biên cương miền Tây Bắc gắn liền với vận mệnh Tổ quốc.

Đài ghi công Phố Ràng trên ngọn núi đồi được xây dựng và hoàn thành năm 1999 nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng và giải phóng, để ghi công các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu tiêu diệt đồn giặc ngày 24 - 26 tháng 6 năm 1949. “Trận Phố Ràng” cùng với tên tuổi nhà văn liệt sỹ Trần Đăng đã đi vào lịch sử của đất nước.

Từ tháng 3 – 7/1979 bộ đội chủ lực của ta mở chiến dịch Sông Thao nhằm phá vỡ phòng tuyến của địch kéo dài từ Nghĩa Lộ - Bảo Hà – Phố Ràng – Nghĩa Đô – Yên Bình Xã (Hà Giang), tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá thế uy hiếp của chúng đối với căn cứ địa Việt Bắc từ phía Tây. Ngày 19/5 chiến dịch bắt đầu. Trong vòng vài ngày quân ta diệt 2 vị trí là Đại Lục và Đại Phác (Trấn Yên) thuộc phân khu Nghĩa Lộ, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở hữu ngạn sông Hồng thuộc tỉnh Yên Bái. Tháng 6 bộ đội ta chuyển hướng lên đánh địch ở tiểu khu Phố Ràng. Tại đây địch còn chiếm giữ 4 đồn: Phố Ràng, làng Mạ, làng Mác và Khe Phia.

 Đồn Phố Ràng nơi đóng của sở chỉ huy tiểu khu địch, quân số hơn 1 đại đội, có hoả lực pháo mạnh, có hào sâu bao quanh và nhiều lô cốt, ụ súng rất kiên cố. Địa hình xung quanh rất tiện lợi cho quân địch phòng ngự, ngược lại rất khó khăn cho quân đội ta khi tấn công. Phía Bắc và phía Đông là vực sâu của ngòi Ràng và sông Chảy, phía Nam có nhiều tảng đá lớn rải rác sườn đồi chẳng khác gì những lô cốt tự nhiên. Phía Tây địa hình trống vắng, địch có thể dùng hoả lực chống chế bộ đội ta từ xa. Nếu tiêu diệt được Phố Ràng thì tiểu khu của địch bị phá vỡ. Thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa của đợt đánh đồn chính của tiểu khu này, bộ đội chỉ huy chiến dịch Sông Thao tập trung 3 tiểu đoàn: 11, 79 và 54 để đánh địch.

 18 giờ ngày 24/06/1949, pháo binh của ta bắt đầu bắn vào đồn địch, áp chế các ụ súng của chúng. Tiếp đó theo hiệu lệnh kèn, bộ đội tiểu đoàn 11 (Tiểu đoàn Phủ Thông) bắt đầu tấn công quân địch. Từ hướng Nam, bộ đội ta chia làm 2 mũi: Một mũi chính diện và 2 mũi kẹp sườn. Bọn địch ngoan cố chống cự cho nên cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Ta và địch giành giật nhau từng đoạn giao thông hào, từng lô cốt và ụ súng. Đến ngày 26/06 quân ta đánh tan hoàn toàn quân địch, một bộ phận nhỏ quân địch rút chạy theo hướng về Nghĩa Đô và đi ra Lào Cai. Phối hợp với tiểu đoàn 11 đánh đồn Phố Ràng, tiểu đoàn 79 bao vây, bức địch rút khỏi các đồn làng Mạ, làng Mác và Khe Phia. Ngoài ra đại đội độc lập 672, trung đội du kích 70 và các đội du kích xã phục kích các toán quân địch rút chạy, các đội vận tải của địch diệt 50 tên, bắt sống nhiều tên khác.

Việc quân ta xoá sổ hoàn toàn tiểu khu Phố Ràng của địch đã làm cho phòng tuyến của chúng từ Yên Bình xã đến Bảo Hà bị cắt làm đôi với đoạn đường dài trên 30 km. Hệ thống phòng ngự của địch mất thế liên hoàn và bị suy yếu hẳn.

 Đầu tháng 7 năm 1949 các đại đội độc lập, cùng du kích nhận được lệnh hướng hoạt động lên Nghĩa Đô để đánh lừa địch, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực từ thượng huyện Lục Yên hành tốc đến tiêu diệt đồn Dóm (16/07/1949), vị trí tiền tiêu của tiểu khu Gia Hội thuộc phân khu Nghĩa Lộ, làm cho bọn chỉ huy Pháp ở miền Bắc Đông Dương thêm đòn choáng váng nữa.
 
Đồn Phố Ràng với trận chiến lịch sử mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp thời kỳ 1945 – 1954 của huyện Bảo Yên. Ngày 11/06/1999 di tích được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích cấp Quốc gia, theo Quyết định số 38/QĐ-BVHTT.
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang