Đảng bộ huyện Bảo Yên với việc nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lượt xem: 85
Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất, một trong những vĩ nhân của thế kỷ XX đã yên nghỉ gần 50 năm, song di sản tư tưởng, tinh thần lớn lao hàm chứa trong từng trước tác của Người vẫn đang cùng dân tộc Việt Nam đồng hành trong những thiên niên kỷ mới. Một trong số những di sản đó chính là lời dặn lại đầy tâm huyết, tiếng nói khiêm nhường của một người cộng sản, thấm đẫm chất nhân văn, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc và thời đại có giá trị vượt không gian và thời gian - Bản Di chúc lịch sử. Dù đã đi xa, nhưng cùng với thời gian, di sản tư tưởng của Người và bản Di chúc đậm đức hiếu sinh vẫn đồng hành cùng “hiện nay và mai sau, không chỉ là của riêng nhân dân Việt Nam, mà còn dành cho tất cả các dân tộc, các Đảng đấu tranh về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, dù ở châu Á, châu Âu hoặc bất cứ nơi nào trên các lục địa”. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”.
        Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến con người, chăm lo phát triển con người. Người tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1) Bác nói khi trả lời các nhà báo nước ngoài, được đăng trên báo Cứu Quốc ngày 21-1-1946)

       Câu nói thật giản dị mà thấm đậm triết lý cao sâu! "Ham muốn tột bậc" của Bác không chỉ là câu nói xuất phát từ đáy lòng mà còn là mục tiêu hành động nhất quán của Người, một người suốt đời vì nước, vì dân, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lúc sinh thời, trong giáo dục cán bộ và đảng viên, Người luôn nhắc nhủ: "Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng". Đến trước khi ra đi về thế giới người hiền, trong bản Di chúc thiêng liêng, phần nói về Nhân dân lao động, Người vẫn căn dặn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.”

         Thực hiện những lời dạy trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt chặng đường lịch sử 50 năm qua, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, dù khó khăn, gian khổ đến đâu, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên vẫn luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần tự lục tự cường, hăng hái thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng quê hương Bảo Yên ngày càng ấm no, hạnh phúc. Từ chỗ là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, đời sống nhân dân nghèo nàn, lạc hậu, đến nay huyện Bảo Yên đã có bước phát triển mới về mọi mặt.

         Huyện Bảo Yên được thành lập ngày 16 tháng 12 năm 1964, theo Quyết định 117/CP của Hội đồng Chính phủ. Ngày 3 tháng 3 năm 1965, các cơ quan Đảng, chính quyền đoàn thể của huyện chính thức hoạt động. Lúc thành lập, tổng số cán bộ các cơ quan của huyện chỉ có hơn 20 người. Toàn Đảng bộ có 17 chi bộ xã, 305 đảng viên.

       Khi thành lập, huyện Bảo Yên có 50 hợp tác xã nông nghiệp với 2.030 hộ xã viên. Huyện được phân thành 2 vùng kinh tế: Vùng thấp gồm 32 hợp tác xã có nhiệm vụ tập trung thâm canh tăng năng suất lúa, tích cực khai hoang mở rộng diên tích, đẩy mạnh chăn nuôi. Vùng cao gồm 18 hợp tác xã, phương hướng chủ yếu là vận động định canh, định cư, đẩy mạnh khai hoang làm ruộng bậc thang làm nương thâm canh… Mặc dù đã được định hướng, phân vùng song nhìn chung sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn là độc canh cây lúa một vụ, trình độ canh tác hạn chế nên năng suất, sản lượng lương thực đạt thấp, tình trạng thiếu đói lúc giáp hạt vẫn thường xuyên xảy ra, các thế mạnh kinh tế miền núi là nghề rừng, cây ăn quả, chăn nuôi chưa được phát huy. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển… Lĩnh vực văn hóa xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, toàn huyện mới có một số trường, lớp cấp I, cấp II, chưa có cấp III; gần 40% dân số trong huyện không biết chữ; công tác y tế còn nhiều bất cập, huyện chưa có bác sỹ, một số xã có trạm xá song cán bộ mới chỉ có trình độ sơ cấp hoặc qua tập huấn ngắn hạn; tình trạng chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn vẫn còn phổ biến nên còn nhiều loại dịch bệnh phát sinh…

          Đến năm 1969, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về mở đợt sinh hoạt chính trị học tập và làm theo Di chúc của Bác Hồ. Đảng bộ huyện Bảo Yên đã tổ chức tốt đợt sinh hoạt chính trị này. Qua sinh hoạt, học tập cán bộ đảng viên và nhân dân thấy rõ công lao to lớn và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng ta và dân tộc với cách mạng thế giới, thấy rõ phẩm chất cách mạng cao đẹp, trong sáng của Người từ đó tăng thêm lòng tự hào phấn khởi quyết tâm tiếp tục đi con đường cách mạng mà Người đã vạch ra.

          Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Kinh tế, nhất là sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục phát triển, khai thác được một bước thế mạnh của huyện miền núi. Văn hóa xã hội có tiến bộ mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có cải thiện. Huyện thường xuyên hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước. An ninh, quốc phòng được củng cố. Đảng bộ trưởng thành rõ rệt, có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo. Trình độ quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ công tác chính quyền các cấp được nâng cao. Phong trào quần chúng được duy trì thường xuyên, sôi nổi.

          Tuy nhiên, thời kỳ này, sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu mang nặng độc canh cây lúa, năng suất còn thấp. Huyện triển khai trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc nhưng một số cây, con như nuôi trâu sữa, trồng cây lai không có hiệu quả kinh tế mà mang nặng tính phong trào. Trong 3 năm toàn huyện trồng trên 1.000 ha cây công nghiệp nhưng tỷ lệ chết chiếm trên 60%, thiệt hại 500.000 đồng. Để lại hậu quả xấu nhiều mặt về sau. Việc đầu tư và sử dụng cơ sở vật chất của hợp tác xã kém hiệu quả.

          Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các cơ quan Đảng, chính quền, đoàn thể huyện dần đi vào hoạt động ổn định. Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho Đảng bộ huyện là làm sao cho dân có đủ cái ăn, cái mặc. Tìm hướng đi phù hợp xản xuất đủ lương thực, thực phẩm, có sản phẩm hàng hóa để tăng tu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân, có trạm xá, trường học, giao thông đi lại thuận tiện… Sau nhiều cuộc tham quan học hỏi kinh nghiệp, ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên thời kỳ này đã xác định được một cơ cấu kinh tế thích hợp, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương đó là đa dạng hóa các loại hình kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và thủ công nghiệp, trong đó tập trung một số mặt hàng có khả năng xuất khẩu như dứa, tăm mành…. Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII (1982) đã xác định: …đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp, thủ công nghiệp. Đưa nông nghiệp tiến lên một bước theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Trọng tâm cấp bách là sản xuất lương thực, thực phẩm, coi trọng sản xuất hàng xuất khẩu và hàng tiêu dùng, giải quyết vững chắc vấn đề ăn mặc, từng bước cải thiện đời sống nhân dân… Với quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII cùng với việc thực hiện Chỉ thị 100, Nghị quyết 10 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp, đến năm 1990 Bảo Yên đã thực sự có bước chuyển mình quan trọng. Diện tích lúa nước tăng từ 700ha lên 1.400ha, hầu hết các xã đều có công trình thủy lợi đảm bảo nước tưới tiêu; các cây trồng tạo nguồn hàng hóa xuất khẩu như hoài sơn, thầu dầu ve được đẩy mạnh mở rộng diện tích; vùng nguyên liệu cho Nhà máy hoa quả họp xuất khẩu được hình thành… đã góp phần cải thiện và từng bước nâng cao thu nhập cho nhân dân; các xã đều có trường học, trạm xá, một số xã có đường ô tô đến trung tâm xã…

        Những kết quả đạt được trong giai đoạn này là tiền đề cơ sở, là động lực để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Bảo Yên tiếp tục thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng trong các gia đoạn tiếp theo. Đồng thời khẳng định trong mọi hoàn cảnh, điều kiện, dù khó khăn, gian khổ Đảng bộ huyện Bảo Yên luôn đoàn kết, thống nhất, tìm ra các giải pháp để lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không ngừng chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

          Trong những nhiệm kỳ vừa qua, nhất là giai đoạn từ năm 2015 trở lại đây, để tiếp tục phát huy hơn nữa những thành quả mà đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã đạt được, Đảng bộ huyện Bảo Yên đã có những giải pháp sáng tạo, cụ thể, sát hợp với điều kiện thực tế, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đảng bộ đã luôn chú trọng thực hiện tốt sự đoàn kết cả trong Đảng và trong nhân dân; trước hết là sự đoàn kết trong tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy để xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ và đề ra giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Tùy theo phân cấp, mọi công việc đều được đưa ra bàn bạc, thảo luận, thống nhất cao trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, xin ý kiến tại các hội nghị cán bộ chủ chốt của huyện, sau đó mới tổ chức triển khai thực hiện tới các chi, đảng bộ cơ sở. Từ đó đã tạo sự thống nhất cao trong toàn đảng bộ, trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu, đồng thuận cao trong thực hiện. Nhờ vậy mà các nhiệm vụ đề ra đều được triển khai thực hiện tốt.

        Giai đoạn hiện nay, xác định là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, Đảng bộ huyện Bảo Yên đã xác định lấy nông nghiệp là trọng tâm để phát triển kinh tế- xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Từ đó, nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân được ban hành, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao như: ban hành 4 chương trình, 16 Đề án trọng tâm liên quan đến từng lĩnh vực; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại với các con nuôi có giá trị kinh tế cao; phát triển các loại sản phẩm thế mạnh theo vùng, địa phương; tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp…Hiện nay, giá trị gia tăng các ngành kinh tế ước đạt 3.213 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế tăng trưởng theo hướng tích cực Nông lâm nghiệp thuỷ sản giảm từ 38% xuống còn 31%, Công nghiệp- xây dựng tăng từ 27,1% lên 31,1%; dịch vụ - Du lịch tăng từ 34,9% lên 38%; Thu ngân sách địa phương đạt 104 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt, ước đạt 35,5 triệu đồng/năm.

         Ngoài ra, huyện chỉ đạo tái cơ cấu ngành, tập trung chỉ đạo sản xuất 6 cây trồng và 3 vật nuôi chủ lực của huyện. Đến nay, trên địa bàn huyện đã đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa rõ nét với 6 loại cây trồng chủ lực (Vùng Quế 20.000 ha, chè 706 ha, hồng không hạt 150 ha, dâu tằm 250 ha, cây sả 200 ha, chanh leo 30ha), 3 con (đàn Trâu trên 19.000 con; Gà đồi trên 550 ngàn con; Vịt bầu Nghĩa Đô trên 50 ngàn con), góp phần làm tăng nhanh giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác, năm 2019 giá trị canh tác đạt 71 triệu đồng/ha.

         Du lịch tâm linh, du lịch bản làng và du lịch trải nghiệm được xác định là thế mạnh của huyện. Hằng năm du khách đến với Bảo Yên không ngừng tăng, năm 2019 là 1 triệu lượt khách. Hiện nay, huyện đã xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên giai đoạn 2019 - 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm thúc đẩy loại hình du lịch cộng đồng, làng bản trên địa bàn huyện.

          Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2018 còn 17,41%; năm 2019 ước dưới 15%. Số xã đạt chuẩn NTM đến hết 2019 đạt 6 xã, phấn đấu hết năm 2020 hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn NTM tại xã Xuân Thượng nâng tổng số xã đạt 7/6 xã về đích nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân 2018 đạt 13 tiêu chí/xã; năm 2019 ước đạt 14,43 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 28,9 triệu đồng/người/năm.

          Cùng với tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền huyện Bảo Yên còn quan tâm chăm lo đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Từ các nguồn vốn, nhất là nguồn xã hội hóa, Bảo Yên đã xây dựng hệ thống đường giao thông; các công trình như trường học, trạm y tế, hoàn thiện hệ thống nhà văn hóa trung tâm huyện, xã, thôn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân. Những tuyến đường chật hẹp, lầy lội được thay thế bằng đường bê tông, trải nhựa rộng rãi; những cây cầu tạm, nhỏ hẹp đã được thay thế bằng những cây cầu bê tông chắc chắn, không chỉ phục vụ việc đi lại của người dân mà còn đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt kết quả khá toàn diện. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục có nhiều bước tiến đáng kể; tỷ lệ huy động trẻ em từ 6-14 tuổi đến trường đạt 99,7%; 18/18 xã, thị trấn đạt chuẩn PCGDTH ĐĐT mức độ 2; Tỉ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đến hết năm 2019 toàn huyện có 47/80 = 58% số trường đạt chuẩn Quốc gia. Các hoạt động văn hóa, thể thao, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được đẩy mạnh, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và văn nghệ quần chúng. Hiện nay, 18/18 xã, thị trấn và 246/246 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao được sử dụng hoạt động thường xuyên, nhiều nhà văn hóa được lắp đặt các dụng cụ thể thao để phục vụ nhân dân.

         Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội luôn được huyện dành sự quan tâm đặc biệt và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai các hoạt động hướng về người nghèo, nhóm các đối tượng yếu thế trên địa bàn đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội trên các lĩnh vực như: thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội; vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội”; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; giúp người dân tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe…Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 17,16% (3.551 hộ) năm 2018 ước đến hết năm 2019 còn 14,16% (2.931 hộ); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2019 là 1,25%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 16,5%.

          Xuất phát từ thực tiễn và những kết quả đạt được trong thời gian qua, Đảng bộ huyện Bảo Yên rút ra một số bài học kinh nghiệm cụ thể như sau:

         Một là: Thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Luôn coi trọng xây dựng khối đại đoàn kết trong toàn Đảng bộ. Đổi mới phương thức lãnh đạo, đề cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, phát huy trí tuệ tập thể và nâng cao trách nhiệm cá nhân.

        Hai là: Trong quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành phải quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo và triển khai kịp thời, thiết thực, hiệu quả, sớm đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của pháp luật Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

        Ba là: Hướng về cơ sở theo phương châm sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân; giải quyết kịp thời những bức xúc trong nhân dân và xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh từ cơ sở.

       Bốn là: Cụ thể hóa các cơ chế, chính sách; thu hút các nhà đầu tư ngoài địa phương về đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế, nông nghiệp tại địa phương. Tiếp tục phát huy các tiền năng của địa phương để phát triển kinh tế trên các lĩnh vực như nông, lâm nghiệp; du lịch bản làng, du lịch sinh thái.

        Năm là: Đảm bảo an ninh trật tự, đoàn kết thống nhất, tạo sự ổn định để phát triển. Phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước và làm tốt công tác thi đua khen thưởng; chú trọng những nhân tố tích cực, các tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến trên các lĩnh vực để nhân ra diện rộng, tạo động lực phấn đấu và không khí thi đua sôi nổi giữa các tổ chức, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

        Thành quả của Bảo Yên trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho quyết tâm chính trị, đoàn kết một lòng với quan điểm việc gì có hiệu quả, có lợi cho dân, cho nước thì quyết tâm làm và làm tới cùng, tiếp tục thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Để đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

                                                                                                                                                   Tác giả bài viết: Trần Văn Huynh
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang